Sự phân biệt giữa bất bình đẳng thu nhập – với bất bình đẳng về kinh tế

       Trong một chừng mực nào đó các tài liệu triết học cũng có sự mặc nhiên đánh đồng. Thí dụ, trong một nghiên cứu lý thú và quan trọng của mình, “Bình đẳng, một lý tưởng đạo đức”, HarryFrankfurt, nhà triết học ưu việt, đã phê phán mạnh mẽ và có lý giải chặt chẽ cái mà ông gọi là “Chủ nghĩa bình quân về kinh tế”, và định nghĩa đó là “một học thuyết chủ trương không nên có bất bình đẳng trong phân phối tiền bạc”.

Sự phân biệt giữa bất bình đẳng thu nhập

        Tuy nhiên, sự phân biệt giữa bất bình đẳng thu nhập-với bất bình đẳng về kinh tế là quan trọng. Nhiều sự phê phán chủ nghĩa bình quân về kinh tế trên tư cách là một giá trị hoặc một mục tiêu lại được áp dụng một cách dễ dàng cho khái niệm hạn hẹp về bất bình đẳng thu nhập hơn là đối với quan niệm rộng hơn về bất bình đẳng kinh tế. Thí dụ, việc cung cấp nhiều thu nhập hơn cho một người có nhiều nhu cầu hơn- thí dụ bị tàn phế- có thể bị coi là đi ngược với nguyên tắc bình đẳng về thu nhập nhưng điều đó không đi ngược lại với khái niệm rông hơn vê bình đẳng kinh tế, bởi vì khi phán xét các yêu cầu về sự bình đẳng kinh tế thì cần tính đến tình trạng tàn tật có nhu cầu lớn hơn về nguồn lực kinh tế.

        Xét về mặt thực tế, quan hệ giữa bất bình đẳng về thu nhập với bất bình đẳng về các mặt liên quan khác có thể khá xa, ngẫu nhiên hoặc tuỳ thuộc vào các yếu tố khác, vì những ảnh hưởng kinh tế khác ngoài thu nhập đã tác động đến các bất bình đẳng về lợi thế cá nhân và các quyền tự do thiết yếu. Thí dụ, về tỷ lệ tử vong của người Mỹ da đen cao hơn người Trung Quốc hoặc người Ấn Độ ở Kerala nghèo hơn rất nhiều, chúng ta thấy có ảnh hưởng của những yếu tố đi ngược chiều với bất bình đẳng thu nhập và điều đó liên quan đến các vấn đề chính sách công bao gồm các yếu tố kinh tế quan trọng như sự tài trợ về chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm, giáo dục, tình hình an ninh ở địa phương v.v.

        Trên thực tế, những khác biệt về tỷ lệ tử vong có thể là một chỉ dẫn về tình trạng bất công rất sâu sắc đang chia rẽ các chủng tộc, giai cấp và giới tính, như đã thể hiện ở nhiều minh hoạ khác nhau trong chương này. Thí dụ, các ước tính về số “phụ nữ mất tích” cho thấy mức độ đáng chú ý của tình hình thiệt thòi của giới nữ tại nhiều nơi trên thế giới đương đại theo một cách mà các số liệu thống kê khác không thể phản ánh một cách đầy đủ. Thêm nữa, vì thu nhập do các thành viên của gia đình kiếm được lại được chia sẻ cho các thành viên khác của gia đình cho nên chúng ta không thể phân tích sự bất bình đẳng đối với nữ giới chủ yếu bằng cách dựa vào chênh lệch về thu nhập.